Cách Điều Trị Viêm Gan B Cấp, Mãn Tính và Chi Phí Bao Nhiêu Tiền

Viêm gan B là bệnh nhiễm trùng virus có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, kể cả ở trẻ sơ sinh. Đây là bệnh có thể gây tổn thương gan thầm lặng trong thời gian dài trước khi xuất hiện triệu chứng. Điều này khiến nguy cơ xảy ra biến chứng xơ gan, ung thư gan cũng tăng cao.


Tại sao bệnh viêm B lại nguy hiểm?

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), viêm gan B là bệnh lý nhiễm virus tấn công gan; có thể gây nhiễm trùng cấp tính hoặc mạn tính. Bệnh có thể lây nhiễm qua đường máu, dịch thể, tình dục, mẹ sang con. WHO ước tính rằng có khoảng 1,5 triệu ca nhiễm viêm gan B mới mỗi năm. 

Nếu nhiễm viêm gan B ở tuổi trưởng thành, trường hợp chuyển đến viêm gan mạn tính chiếm dưới 5%. Trong khi đó nếu trẻ sơ sinh hoặc trẻ nhỏ mắc bệnh thì nguy cơ lên tới 95%. Có khoảng 1 trong 20 người lớn mắc bệnh viêm gan B trở thành “người mang mầm bệnh” – nghĩa là nhiễm virus mạn tính. Những người này có thể lây truyền viêm gan B cho người khác trong suốt cuộc đời.

Hầu hết trong giai đoạn đầu viêm gan B không gây ra triệu chứng cụ thể nên được xem là “căn bệnh thầm lặng”. Siêu vi có thể âm thầm tấn công gan trong nhiều năm. Nếu không bị được phát hiện và chữa viêm gan B, virus gây bệnh có thể lây truyền qua nhiều thế hệ trong gia đình cũng như ngoài cộng đồng. Điều này khiến bệnh trở nên nguy hiểm vì người bệnh có thể vô tình lây nhiễm cho nhiều người khác.

Thực tế vẫn có một số người bệnh cấp tính có thể gặp phải các biểu hiện như vàng da, vàng mắt, nước tiểu sẫm màu, suy nhược, buồn nôn, đau bụng, chán ăn, đau khớp hay sốt nhẹ,… Các triệu chứng này thường xuất hiện khoảng từ 60 tới 150 ngày sau khi nhiễm virus, trung bình là 3 tháng.

Người bị viêm gan cấp tính cũng có thể bị suy gan cấp tính. Ngoài ra nếu không được điều trị viêm gan B có thể dẫn tới biến chứng xơ gan và ung thư biểu mô tế bào gan (ung thư gan nguyên phát) khiến người bệnh có nguy cơ cao tử vong.

Cách điều trị viêm gan B theo hướng dẫn của bộ y tế

Theo Quyết định số 3310/QĐ-BYT do Bộ Y tế ban hành vào ngày 29/07/2019, việc điều trị viêm gan B có các nội dung chính như sau:

1. Viêm gan B cấp tính

Đối với viêm gan B cấp tính, điều may mắn là hơn 95% trường hợp người lớn bị nhiễm bệnh có thể khỏe trở lại mà không cần thuốc kháng virus.

Các phương pháp hỗ trợ cho tình trạng cấp tính bao gồm:

  • Dành nhiều thời gian nghỉ ngơi, hạn chế làm việc nặng/ gắng sức sau khi phát hiện bệnh
  • Kiêng rượu bia, giảm chất béo khi ăn uống. Trong trường hợp nôn ói nhiều/ không thể ăn uống, người bệnh sẽ được nuôi dưỡng tạm thời qua đường tĩnh mạch
  • Không nên dùng các thuốc chuyển hóa qua gan
  • Trong trường hợp bệnh diễn biến nặng hơn cần đảm bảo hô hấp/ tuần hoàn ổn định, tiêm vitamin K1 hoặc điều chỉnh chống phù não, lọc huyết tương,… dựa theo đánh giá từ bác sĩ

Chỉ định sử dụng thuốc kháng virus được thực hiện trong trường hợp chữa viêm gan B thể tối cấp; viêm gan B cấp có kèm theo 2 trong 3 vấn đề sau: bệnh não gan/Bilirubin toàn phần huyết thanh > 3 mg/dL hay > 51 µmol/L hoặc INR > 1,5; cuối cùng là thời gian mắc bệnh kéo dài > 4 tuần với xu hướng bilirubin tăng.

2. Viêm gan B mạn tính

Việc điều trị viêm gan B mạn tính có lựa chọn ban đầu là nhóm thuốc kháng virus nucleot(s)ide analogues (NAs). Với NAs, bệnh có thể cần điều trị điều trị lâu dài hoặc suốt đời. Để kiểm soát bệnh hiệu quả, người bệnh cần tuân thủ điều trị.

Điều trị viêm gan B theo bộ y tế: đối với việc dùng điều trị dùng thuốc kháng virus, cần dựa vào 3 yếu tố nồng độ là ALT (enzyme Alanine Aminotransferase, được tìm thấy phần lớn ở tế bào gan), tải lượng HBV-DNA (tải lượng virus viêm gan B ở trong máu) và mức độ xơ hóa gan. Việc chẩn đoán xơ hóa gan tùy theo tình huống cụ thể mà có thể cần đến các phương pháp chẩn đoán không xâm lấn hoặc sinh thiết.

Nếu người bệnh viêm gan B nhưng không bị xơ hóa gan, việc điều trị chỉ diễn ra khi người bệnh đáp ứng 2 tiêu chuẩn về tổn thương tế bào gan và virus tăng sinh. Với phụ nữ mang thai và trẻ em là các đối tượng nhạy cảm, nếu muốn điều trị viêm gan B mạn cần xem xét cẩn thận và loại trừ các yếu tố gây tổn thương gan khác.

3. Viêm gan B sau khi phơi nhiễm

Điều trị dự phòng sau khi phơi nhiễm viêm gan B là điều cần thiết. Sau khi phơi nhiễm với dịch thể, máu của người bệnh; nếu chưa tiêm phòng, không chắc chắn đã tiêm hay chưa, hoặc chưa có miễn dịch bảo vệ, thì cần tiêm HBIG (Globulin miễn dịch kháng viêm gan B) ngay, càng sớm càng tốt . Nếu tiêm 7 ngày sau khi phơi nhiễm qua đường mẹ truyền sang con hoặc đường máu; 14 ngày qua đường tình dục thì sẽ không còn hiệu quả.

4. Nhiễm đồng thời cả virus viêm gan B và viêm gan C

Viêm gan C là bệnh có nguy cơ lây nhiễm cao, cũng có khả năng gây ra các tổn thương xơ hóa ở gan dẫn đến biến chứng xơ gan hoặc ung thư gan. Trong trường hợp vừa mắc viêm gan B và C, người bệnh sẽ cần điều trị viêm gan C và điều trị viêm gan B theo từng trường hợp cụ thể.

5. Chi phí điều trị viêm gan B

Tùy vào đối tượng, tình trạng bệnh và cơ sở y tế mà chi phí cho chữa viêm gan B có sự khác nhau; trung bình trong khoảng 1 triệu đồng mỗi tháng.

0705.94.9898
Chat Zalo