Cảm Cúm: Các Triệu Chứng, Nguyên Nhân Và Cách Điều Trị

Cảm cúm là một căn bệnh phổ biến mà ai cũng có thể mắc phải vào mùa đông hoặc mùa xuân. Dù không nguy hiểm, nhưng cảm cúm có thể gây ra nhiều bất tiện và làm suy giảm chất lượng cuộc sống hàng ngày. Dưới đây là một số thông tin cần biết về cảm cúm, bao gồm triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị.

1. Cảm cúm là gì?

Cảm cúm là một bệnh truyền nhiễm gây nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính do virus cúm (Influenza virus) lưu hành ở khắp nơi trên thế giới gây ra, nó có thể gây nhiễm trùng cả đường hô hấp trên và đường hô hấp dưới. 

Phần lớn các trường hợp bệnh cúm sẽ phục hồi hoàn toàn. Tuy nhiên, đối với người già, trẻ nhỏ và người suy giảm hệ thống miễn dịch thì khác. Bệnh cúm ở những đối tượng này có thể tiến triển nặng nề hơn, thậm chí dẫn đến tử vong do nhiều biến chứng.

2. Triệu chứng của cảm cúm

Triệu chứng cảm cúm thường thấy như sốt, nhức đầu, ho, đau cơ, mệt mỏi. Đa phần đều diễn biến cấp tính và tự giới hạn trong vòng 1 tuần. Bệnh thường biểu hiện ở 2 thể:

Thể bệnh cúm thông thường: là thể bệnh thường gặp nhất

  • Ủ bệnh (1 – 2 ngày): Không triệu chứng
    • Khởi phát (3 ngày): 
      • Sốt > 38 độ C
      • Nhức đầu
      • Đau cơ
      • Mệt mỏi, chán ăn
      • Chảy nước mắt sống
      • Hắt hơi, chảy mũi, ho khan
    • Toàn phát (3 – 7 ngày)
      • Hội chứng nhiễm trùng – nhiễm độc: sốt cao, lừ đừ, vật vã, …
      • Hội chứng hô hấp: khó thở, thở co kéo các cơ hô hấp phụ, …
    • Lui bệnh (1 – 2 tuần): Thường lành bệnh hoàn toàn.

Thể bệnh cúm có biến chứng: ít xảy ra, nhưng nếu bị thì có thể gây tử vong vì bệnh cảnh nặng.

    • Biến chứng phổi: viêm phổi, viêm thanh khí phế quản (trẻ em), đợt cấp của COPD hoặc hen suyễn, viêm tai giữa (thường ở trẻ em), viêm xoang.
    • Biến chứng ngoài phổi: viêm cơ, viêm cơ tim, Sốc độc tố, Hội chứng Guillain-Barré, viêm não, viêm tủy cắt ngang, Hội chứng Reye.

3. Điều trị cảm cúm như thế nào?

Hầu hết bệnh nhân cúm chỉ cần điều trị triệu chứng. Cơ thể sẽ loại trừ virus trong vài ngày. Cần lưu ý, kháng sinh không có tác dụng diệt vi rút cúm nên không được sử dụng. 

Thuốc kháng virus cúm được sử dụng để ngăn sự nhân lên của vi rút cúm. Nếu uống thuốc trước khi bị bệnh hay trong 2 ngày đầu của bệnh, những thuốc này có thể phòng được nhiễm bệnh hay giảm số ngày bị bệnh.

4. Cách phòng tránh cảm cúm:

  • Rửa tay thường xuyên: Sử dụng nước và xà phòng để rửa tay thường xuyên, đặc biệt là trước khi ăn và sau khi tiếp xúc với người bệnh cúm.
  • Tránh tiếp xúc với người bệnh: Nếu bạn hoặc ai đó trong gia đình có triệu chứng cảm cúm, hãy tránh tiếp xúc gần gũi để ngăn virus lây lan.
  • Giữ ấm cơ thể: Đặc biệt vào mùa đông, hãy giữ cơ thể ấm áp bằng cách mặc đủ quần áo ấm và tránh tiếp xúc với gió lạnh.
  • Tăng cường hệ miễn dịch: Ăn đủ chất dinh dưỡng, vận động thể chất đều đặn và đảm bảo bạn đủ giấc ngủ là cách tốt nhất để tăng cường hệ miễn dịch và giúp cơ thể chống lại virus cúm.

>>>>> Tham khảo: Thực phẩm tăng cường hệ miễn dịch 

5. Mùa cúm ở Việt Nam rơi vào tháng mấy?

Tại Việt Nam mùa cúm thường rơi vào mùa xuân và mùa đông, đỉnh của dịch cúm mùa vào khoảng tháng 3-4 và tháng 9-10 hằng năm. Vì vậy người dân nên tiêm phòng vắc xin lý tưởng nhất là trước khi vào mùa cúm, khoảng thời gian thích hợp để tiêm vắc-xin cúm là 2 tuần đến 1 tháng trước khi vào mùa cúm cao điểm. Các gia đình được khuyến khích nên đi tiêm phòng vaccine cúm từ tháng 9 đến tháng 3 để có hiệu quả tốt nhất.

Mặc dù vậy, nếu như đã không tiêm phòng bệnh được vào thời điểm nếu trên thì vẫn có thể tiêm phòng vào bất cứ thời điểm nào trong mùa cúm, vẫn sẽ giúp phòng ngừa mắc bệnh.

Tiêm vắc-xin phòng cúm mùa đặc biệt quan trọng đối với những người có nguy cơ thể bệnh cúm biến chứng và những người sống chung hoặc chăm sóc những người có nguy cơ bệnh cúm cao. WHO khuyến cáo tiêm phòng cúm mùa hàng năm cho các đối tượng sau:

  • ­Phụ nữ mang thai ở bất kỳ giai đoạn nào của thai kỳ
  • Trẻ em từ 6 tháng đến 5 tuổi
  • Người lớn tuổi (trên 65 tuổi)
  • Người mắc các bệnh mãn tính, suy giảm miễn dịch: Hen suyễn, COPD, tiểu đường, ung thư, sử dụng corticoid kéo dài, nhiễm HIV
  • Nhân viên y tế

Bên cạnh đó, việc sử dụng vaccine cúm chống chỉ định với những người có cơ địa dị ứng với trứng gia cầm.


Dù cảm cúm thường tự giải quyết sau một vài ngày, nhưng nếu triệu chứng kéo dài hoặc trở nên nghiêm trọng hơn, bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ. Đồng thời, việc thực hiện các biện pháp phòng tránh như giữ vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên và tiêm phòng cúm cũng rất quan trọng để ngăn ngừa lây lan của căn bệnh này.

0705.94.9898
Chat Zalo