Chẩn Đoán, Phòng Ngừa Rối Loạn Chức Năng Gan

Rối loạn chức năng gan là bệnh gì?

Rối loạn chức năng gan, còn gọi là nóng gan, là hiện tượng gan bị tổn thương và không thể thực hiện được đúng các chức năng của nó. Tình trạng này nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến suy giảm chức năng gan và gây ra các vấn đề bệnh lý như viêm gan và xơ gan hay thậm chí là ung thư gan.

Nhìn chung, bệnh rối loạn chức năng gan có thể khiến gan bị rối loạn một hoặc nhiều các chức năng sau:

  • Chuyển hóa chất dinh dưỡng;
  • Thanh lọc , giải nhiệt và loại bỏ độc tố ra khỏi cơ thể;
  • Sản xuất và lưu trữ nguồn năng lượng dưới dạng các glycogen và triglyceride;
  • Sản xuất và tổng hợp nên các thành phần như protein, hormone angiotensinogen, albumin – protein,…
  • Sản xuất mật;
  • Các chức năng khác như duy trì sự cân bằng hormone, ngăn chặn các tác nhân gây hại xâm nhập vào ruột,…

Triệu chứng rối loạn chức năng gan

Bệnh rối loạn chức năng gan thường khó được phát hiện sớm bởi các triệu chứng của bệnh thường khởi phát khi tình trạng bệnh đã chuyển tiến sang mức độ vừa hoặc nặng. Do đó, bạn hãy đến gặp bác sĩ ngay khi thấy cơ thể có những dấu hiệu sau:

1. Rối loạn chức năng gan làm vàng da, màu mắt thay đổi

Vàng da, màu mắt thay đổi là những triệu chứng nguy hiểm cho thấy gan của bạn đang bị tổn thương hoặc tắc mật. Bilirubin (tiếng La-tinh nghĩa là mật đỏ), là một phủ phẩm có màu vàng sẫm hoặc đỏ cam được gan tạo ra sau khi phá vỡ tế bào hồng cầu và thường được lưu trữ trong túi mật, sau đó đi vào tá tràng để thải ra ngoài cùng với phân.

Tuy nhiên, nếu gan hoặc hệ thống đường mật của cơ thể bị tổn thương sẽ khiến cho bilirubin không được đưa vào tá tràng mà thay vào đó sẽ bị tích tụ và hấp thụ vào máu, từ đó gây ra hiện tượng vàng da và vàng mắt.

2. Phân và nước tiểu đổi màu

Khi nhu mô gan bị tổn thương sẽ gây ra tình trạng tắc mật và làm tăng lượng bilirubin hấp thu vào máu. Điều này khiến cho lượng urobilin trong nước tiểu tăng lên, và làm cho nước tiểu có màu vàng sậm hơn bình thường. Thông thường, các vi khuẩn trong ruột sẽ chuyển hóa bilirubin thành urobilinogen và stercobilin, làm cho phân có màu vàng. Tuy nhiên khi tình trạng tắc mật xảy ra, lượng stercobilin trong phân sẽ trở nên ít đi, dẫn đến phân của người bệnh có màu xám nhạt hoặc bạc.

3. Nóng gan gây mẩn đỏ ngứa ngáy khó chịu

Một trong những triệu chứng rối loạn chức năng gan dễ nhận biết nhất đó là việc cơ thể nổi mẩn và trở nên ngứa ngáy, khó chịu. Lúc này, trên da của người bệnh sẽ xuất hiện mẩn đỏ với các đốm sần, dày và ngứa. Nguyên nhân là do gan bị suy yếu dẫn đến không thể đào thải hết các chất độc ra ngoài, từ đó mới gây ra tình trạng ngứa ngáy khó chịu khắp cơ thể. Thông thường, nồng độ bilirubin trong máu càng cao thì bệnh nhân càng dễ bị nổi mẩn ngứa.

4. Báng bụng là triệu chứng của rối loạn chức năng gan

Báng bụng (hay cổ trướng) là một dấu hiệu của tình trạng xơ gan mất bù. Đây cũng là một biến chứng nặng của bệnh xơ gan mạn tính. Tình trạng này không chỉ tăng nguy cơ tử vong mà còn ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Đồng thời làm gia tăng nguy cơ hình thành các biến chứng khác như nhiễm trùng trong dịch ổ bụng, triệu chứng nôn mửa có máu và cả ung thư gan.

5. Rối loạn chức năng gan gây chán ăn, buồn nôn

Người bị bệnh gan thường xuất hiện các triệu chứng như chán ăn, buồn nôn và rối loạn tiêu hóa. Bởi lẽ, rối loạn chức năng gan khiến dịch mật – một chất giúp ruột hòa tan chất béo và một số loại vitamin, được tiết ra một cách hạn chế. Điều này dẫn đến sự tích tụ chất béo quá mức trong ruột, gây đầy hơi, khó tiêu và buồn nôn. Đồng thời, khi gặp vấn đề về gan, nhiều người thường có tâm lý kiêng khem, khiến cho lượng thức ăn tiêu thụ giảm dần, từ đó dẫn đến tình trạng suy nhược và sút cân.

6. Người mệt mỏi, cơ thể suy nhược do nóng gan

Gan là cơ quan duy nhất trên cơ thể giúp bạn chuyển hóa dinh dưỡng từ thực phẩm thành năng lượng cho tế bào. Do đó, khi gan bị suy yếu, nó thường khiến bạn mệt mỏi, suy nhược, uể oải, lừ đừ, mất tập trung, hay nhầm lẫn, mất phương hướng,… từ đó gây ảnh hưởng không nhỏ đến sinh hoạt hàng ngày và hiệu suất công việc.

Chưa hết, tình trạng rối loạn chức năng gan kéo dài còn dẫn đến các bệnh lý nguy hiểm khác như suy gan cấp, viêm gan và xơ gan. Vì vậy, nhận biết sớm các dấu hiệu gan suy yếu giúp chúng ta chăm sóc, phòng ngừa và điều trị các bệnh gan một cách kịp thời và hiệu quả hơn.

Chẩn đoán rối loạn chức năng gan

Để chẩn đoán rối loạn chức năng gan, bác sĩ thường yêu cầu bạn thực hiện một số chỉ định sau:

1. Xét nghiệm chức năng gan

Xét nghiệm chức năng gan là một loại xét nghiệm sinh hóa được thực hiện để giúp người bệnh biết được tình trạng hiện tại của gan và những tổn thương mà gan đang phải chịu thông qua việc xét máu.

Xét nghiệm chức năng gan thường bao gồm việc đo lường các chỉ số như:

  • Nồng độ các loại men gan: Bao gồm men AST ALT, ALP, GGT, LDH,…
  • Nồng độ các chất được chuyển hóa hoặc tổng hợp tại gan: Proteins, albumin, globulin, bilirubin tổng, bilirubin trực tiếp, bilirubin gián tiếp,…

2. Một số xét nghiệm khác

Ngoài phương pháp xét nghiệm chức năng gan thì bác sĩ còn có thể chẩn đoán rối loạn chức năng gan bằng cách chỉ định người bệnh thực hiện các xét nghiệm khác nhằm đưa ra những chẩn đoán chính xác hơn. Chẳng hạn như:

  • Xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh: Bao gồm các thủ tục chụp chiếu hình ảnh sinh học như siêu âm, chụp MRI, chụp CT,… để các bác sĩ quan sát được cấu trúc bên trong gan, ước lượng được mức độ khỏe mạnh và sự tiến triển của tình trạng bệnh.
  • Xét nghiệm huyết thanh bổ sung: Bào gồm việc xác định hàm lượng cholesterol máu (chủ yếu được tổng hợp ở gan), fibrinogen, điện di protein (điện phân protein), tỷ lệ prothrombin (TP), yếu tố đông máu V (hệ thống đông máu), enzym 5’-nucleotidase (enzym có mặt trong nhiều tế bào, đặc biệt là tế bào gan) và amoniac máu.
  • Xét nghiệm đặc hiệu cho bệnh gan: Bao gồm xét nghiệm định lượng alpha-fetoprotein (AFP) và transferrin thiếu hụt carbohydrat (CDT):
    • Alpha-fetoprotein (AFP): Một chất chỉ thị của khối u, là một protein được tổng hợp ở gan và được sử dụng để theo dõi các trường hợp ung thư hoặc xơ gan. Đây là chỉ định quan trọng cho bệnh nhân mắc viêm gan B và C mạn có nguy cơ chuyển hóa thành ung thư tế bào gan.
    • Transferrin thiếu hụt carbohydrate (CDT): Một protein tổng hợp ở gan, đặc biệt liên quan đến tình trạng nghiện rượu, hay xét nghiệm huyết thanh để phát hiện virus gây viêm gan B và C.

Rối loạn chức năng gan có nguy hiểm không?

Rối loạn chức năng gan rất NGUY HIỂM bởi nếu không được điều trị kịp thời, bệnh có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người bệnh. Một số hệ quả không mong muốn mà người bệnh có thể gặp phải, bao gồm:

  • Suy yếu sức khỏe da: Rối loạn chức năng gan có thể gây ra các vấn đề da như mụn trứng cá, ngứa da, sạm da, nám và thậm chí nhiễm độc toàn thân.
  • Tích tụ độc tố gây suy giảm miễn dịch: Điều này có thể khiến cho người bệnh bị sút cân nhanh chóng, cơ thể suy yếu, mệt mỏi, thường xuyên mắc bệnh do nhiễm trùng, nhiễm khuẩn vì hệ miễn dịch suy yếu.
  • Tăng nguy cơ béo phì, gan nhiễm mỡ, viêm gan: Các bệnh lý này xảy ra khi gan bị rối loạn và không thể đào thải các chất béo dư thừa ra khỏi cơ thể. Lúc này, mỡ thừa sẽ tích tụ trong mô gan, đi vào máu rồi bám vào các thành mạch, gây xơ vữa động mạch và khiến cho bệnh nhân có nguy cơ bị đột quỵ, nhồi máu cơ tim và tử vong.
  • Bị hôn mê: Khi cơ thể tích tụ quá nhiều độc tố và không thể đào thải kịp thời do chức năng gan bị rối loạn sẽ khiến người bệnh có nguy cơ rơi vào tình trạng sa sút trí lực và hôn mê (bệnh não gan).
  • Ảnh hưởng đến các cơ quan khác: Gan có mối liên quan mật thiết với các cơ quan khác trong cơ thể, do đó khi chức năng gan bị rối loạn, các cơ quan khác cũng sẽ bị ảnh hưởng, đặc biệt là ảnh hưởng đến chất lượng máu, sức khỏe tiêu hóa, tim mạch và hiệu quả bài tiết.

Cách phòng ngừa bệnh rối loạn chức năng gan

Để đề phòng nguy cơ bị nóng gan hoặc mắc các bệnh lý khác về gan, bạn có thể thực hiện các biện pháp sau:

  • Xây dựng một lối sống khoa học:
    • Duy trì cân nặng ở mức khỏe mạnh.
    • Áp dụng chế độ ăn giàu chất xơ, bao gồm nhiều rau và trái cây.
    • Tập thể dục đều đặn để giúp cơ thể khỏe mạnh hơn mỗi ngày.
    • Hạn chế hoặc không tiêu thụ bia rượu bia và mỡ động vật.
    • Không tiêu thụ quá 25g đường / ngày (bao gồm cả đường trong trái cây, cơm trắng, ngũ cốc, nước giải khát và rau củ quả).
  • Tuân thủ chỉ định của bác sĩ: Sử dụng thuốc điều trị gan theo chỉ định của bác sĩ và uống đúng liều lượng.
  • Kiểm tra sức khỏe định kỳ cho gan: Thường xuyên kiểm tra tình trạng của gan thông qua xét nghiệm máu định kỳ mỗi năm, đặc biệt là đối với những người có tiền sử bệnh đái tháo đường, viêm gan B, viêm gan C, gan nhiễm mỡ, hoặc các biến chứng của gan xơ.
  • Tiêm phòng: Việc tiêm vắc xin ngừa viêm gan, chẳng hạn như vắc xin viêm gan B, không chỉ giúp ngăn chặn bệnh viêm gan mà còn góp phần giúp gan chống lại nhiều tác nhân gây bệnh khác.
0705.94.9898
Chat Zalo