Gan là cơ quan nội tạng lớn nhất trong cơ thể (với cân nặng khoảng 1,5kg) và chứa khoảng 100 tỷ tế bào đảm nhiệm hơn 500 chức năng quan trọng khác nhau đối với sức khỏe như: Phân hủy chất béo trong ruột non ở quá trình tiêu hóa, gan giúp đào thải độc tố, hỗ trợ sản xuất một số loại protein cần thiết cho huyết tương, gan giúp lưu trữ và giải phóng glucose khi cần thiết, sản xuất mật,…
Một khi gan bị tổn thương, sức khỏe của bạn sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều, tuổi thọ cũng vì thế mà rút ngắn lại.
Theo Sohu, khi chức năng gan suy giảm, trên khuôn mặt sẽ có 3 biểu hiện đặc trưng dưới đây:
1. Nước da tái nhợt hoặc chuyển màu vàng sẫm
Nếu nước da có vẻ tái nhợt, xám xịt hoặc màu vàng sẫm, mất đi độ bóng như bình thường thì có thể do gan suy yếu khiến lượng bilirubin dư thừa tích tụ trong cơ thể.
Bilirubin là một loại sắc tố mật có màu vàng, được gan tạo ra trong quá trình thoái giáng các tế bào hồng cầu trong máu. Bilirubin thường được gan xử lý và đào thải ra khỏi cơ thể. Tuy nhiên, khi gan bị tổn thương, khả năng phân hủy bilirubin của gan bị suy yếu, gây tích tụ quá mức ở các mạch máu dưới da, khiến da có màu vàng sẫm hoặc xám xịt.
Đây là một trong những triệu chứng vàng da điển hình của bệnh suy gan.
2. Nám da hoặc da nổi nhiều mụn trứng cá
Mụn trứng cá hoặc các vết nám da trên mặt tăng lên đáng kể và không dễ dàng biến mất có thể do chức năng gan suy giảm dẫn tới ứ trệ khí và âm hư hỏa vượng.
Mặt khác, khi gan bị tổn thương cũng ảnh hưởng tới quá trình chuyển hóa estrogen, dẫn tới nồng độ estrogen trong máu tăng cao, từ đó gây ra sự lắng đọng quá mức sắc tố vàng nâu ở da mặt, hình thành nám da.
3. Vàng mắt, khô mắt
Vàng mắt do gan là một triệu chứng bệnh gan phổ biến, trong đó có xơ gan, viêm gan B và viêm gan C thậm chí là ung thư gan. Chức năng gan kém ảnh hưởng tới quá trình xử lý bilirubin trong máu, khiến bilirubin bị tích tụ không chỉ dẫn tới vàng da mà còn gây vàng mắt (cụ thể là củng mạc dần chuyển sang màu vàng theo thời gian).
Bên cạnh đó, khô mắt có thể liên quan đến tình trạng thiếu máu ở gan và dẫn tới mất chất dinh dưỡng cung cấp cho mắt. Đôi khi một người bị nóng gan cũng có thể bị đỏ mắt (đỏ ngầu) do khí nóng tích tụ ở gan theo máu đi lên mắt, kèm theo nguy cơ viêm nhiễm gia tăng.
Để củng cố và phục hồi chức năng gan, cần chú ý tới việc duy trì các thói quen sinh hoạt lành mạnh, xây dựng chế độ ăn khoa học, bỏ thuốc lá, hạn chế rượu bia và chú ý thăm khám sức khỏe định kỳ, đặc biệt là những người có các yếu tố nguy cơ mắc bệnh gan như người nghiện thuốc lá, nghiện rượu bia, người bị rối loạn yếu tố đông máu như bệnh máu khó đông, người trên 50 tuổi, và người có tiền sử gia đình mắc bệnh gan,…
Cuối cùng, cần lưu ý rằng, mặc dù một số biểu hiện bệnh gan trên mặt có thể đúng với nhiều trường hợp nhưng không phải là tất cả – nói cách khác, không phải ai có các dấu hiệu trên mặt kể trên đều mắc bệnh gan.
Điều quan trọng là chú ý tới các triệu chứng suy giảm chức năng gan khác kèm theo như chướng bụng, đau âm ỉ vùng hạ sườn phải, sưng phù chân và mắt cá chân, ngứa da, nước tiểu có màu vàng sẫm, phân nhạt màu, mệt mỏi mãn tính,… cùng các bất thường khác để thăm khám bác sĩ sớm để được chẩn đoán và điều trị phù hợp với từng tình trạng bệnh.
Nguồn: Sohu