Ghép gan sống được bao lâu là thắc mắc hàng đầu của người mắc phải các bệnh về gan giai đoạn cuối để từ đó củng cố niềm tin và hy vọng sống.
Ghép gan là một hình thức phẫu thuật thay thế gan bị bệnh bằng gan khỏe mạnh từ người hiến tặng nhằm mục đích kéo dài sự sống cho người bị suy gan hay ung thư gan sau khi các phương pháp điều trị khác thất bại. Vậy người ghép gan sống được bao lâu? Bài viết này, Hello Bacsi sẽ cung cấp cho bạn những thông tin về thời gian sống sau khi ghép gan, các yếu tố ảnh hưởng và cách chăm sóc người bệnh sau ghép gan để kéo dài tuổi thọ, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Ghép gan là gì? Những ai có thể ghép gan?
Trước khi đi tìm lời đáp cho thắc mắc ghép gan sống được bao lâu, mời bạn cùng Hello Bacsi tìm hiểu qua về phương pháp ghép gan và những đối tượng nào có thể thực hiện phương pháp nào.
1. Ghép gan là gì?
Ghép gan là một thủ thuật giúp thay thế một phần hoặc toàn bộ lá gan của người bệnh bị các vấn đề về gan bằng gan khỏe mạnh của một người khác. Phần gan được ghép có thể lấy từ người cho còn sống hoặc từ gan của người hiến nội tạng đã tử vong.
Gan là cơ quan nội tạng lớn nhất và thực hiện một số chức năng quan trọng, bao gồm:
- Xử lý chất dinh dưỡng, thuốc và hormone
- Sản xuất dịch mật, giúp cơ thể hấp thụ chất béo, cholesterol và các vitamin tan trong chất béo
- Tạo ra protein giúp đông máu
- Loại bỏ vi khuẩn và độc tố khỏi máu
- Ngăn ngừa nhiễm trùng và điều chỉnh phản ứng miễn dịch
Ghép gan thường được xem như “phao cứu sinh” cho những người bị biến chứng nặng do bệnh gan mãn tính giai đoạn cuối. Hiện nay, số người chờ ghép gan đang vượt quá số lượng gan của người hiến tặng đã chết hiện có. Tuy nhiên, người bệnh vẫn có thể nhận gan từ người hiến sống có lá gan khỏe mạnh, phù hợp.
2. Những ai có thể ghép gan?
Nhu cầu ghép gan tính đến thời điểm hiện tại đã tăng rất cao và không phải người bệnh nào cũng có thể được tiến hành thực hiện đại phẫu này. Các bác sĩ sẽ tiến hành cân nhắc và kiểm tra để xem với tình trạng hiện tại bạn có thể đáp ứng các tiêu chí để đủ điều kiện được ghép gan hay không, cụ thể như sau:
- Bạn đủ sức khỏe để phẫu thuật và có khả năng hồi phục tốt
- Có đủ khả năng để sử dụng thuốc chống thải ghép
- Khả năng tuân thủ theo phác đồ điều trị và thực hiện nghiêm túc các yêu cầu của bác sĩ
- Không có nguy cơ lạm dụng rượu hoặc ma túy trong tương lai…
Ghép gan sống được bao lâu?
Nhiều người khi được chỉ định ghép gan để kéo dài sự sống thường hay thắc mắc rằng ghép gan sống được bao lâu hay ghép gan sống được mấy năm? Theo các chuyên gia sức khỏe, do nhiều yếu tố phức tạp mà các bác sĩ gần như không thể dự đoán chính xác được cơ hội ghép gan thành công của một cá nhân hoặc ghép gan sống được bao lâu.
Tuy nhiên, Viện Tiểu đường, Tiêu hóa và Bệnh thận Quốc gia Hoa Kỳ (NIDDK) đã thống kê được tỷ lệ sống sót trung bình đối với những người từng phẫu thuật ghép gan từ người hiến tặng đã qua đời. Con số cụ thể như sau:
- 86% vẫn còn sống sau 1 năm phẫu thuật
- 78% vẫn còn sống sau 3 năm phẫu thuật
- 72% vẫn còn sống sau 5 năm phẫu thuật
- 53% vẫn còn sống sau 20 năm phẫu thuật
Ước tính tỷ lệ sống sót được báo cáo khác nhau tùy thuộc vào thông tin được cung cấp cũng như thời điểm và cách thức tính toán.
Mặc dù đa phần ca ghép gan có tỷ lệ thành công cao nhưng cơ hội sống sót và phát triển của người bệnh sau phẫu thuật phụ thuộc vào sự kết hợp của nhiều yếu tố quan trọng.
Tại Việt Nam, phẫu thuật ghép gan đã có những tiến bộ đáng kể trong những năm qua và trở thành một phương thức điều trị mới với tính hiệu quả cao trong việc chữa trị các bệnh về gan ở giai đoạn cuối.
Theo thông tin từ Trung tâm Ghép tạng Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, tỷ lệ sống sót của các ca ghép gan (từ người cho chết não) cho người bị bệnh gan giai đoạn cuối và ung thư biểu mô tế bào gan đạt mức 77.4% sau 5 năm, đi kèm với tỷ lệ tử vong trong vòng 30 ngày là 4.1%.
Ngoài ra, thông tin từ Khoa phẫu thuật gan mật tụy, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, cũng cho biết dựa trên 108 ca ghép gan (trong đó 105 ca được ghép gan từ người cho sống) được thực hiện tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã thực hiện trong hơn 4 năm qua, tỷ lệ sống của bệnh nhân ghép gan sau 1 năm là 95%, sau 3 năm là 90%.
Người ghép gan có thể gặp những biến chứng gì?
Bên cạnh việc tìm hiểu liệu ghép gan sống được bao lâu để có thể quyết định có nên ghép gan hay không, bạn cũng sẽ cần phải biết được các biến chứng có thể xảy đến trong quá trình hồi phục, cụ thể như sau:
- Xuất huyết
- Suy đa tạng
- Nhiễm khuẩn
- Nhiễm trùng máu
- Dò hoặc tổn thương ống dẫn mật
- Gan hiến tặng dần mất chức năng
- Cục máu đông (huyết khối) trong động mạch gan cung cấp máu cho gan
- Đào thải nội tạng, khi cơ thể không chấp nhận gan của người hiến tặng (phổ biến nhất trong 3 đến 6 tháng đầu sau phẫu thuật)
- Thoát vị hoặc vỡ vết cắt được thực hiện trong phẫu thuật trong quá trình lành vết thương
Cách chăm sóc sau khi ghép gan giúp tăng chất lượng cuộc sống
Sau khi ghép gan, bạn có thể cần điều chỉnh chế độ ăn uống để giữ cho gan khỏe mạnh, hoạt động tốt và ngăn ngừa tình trạng tăng cân quá mức. Người từng ghép gan nên duy trì cân nặng khỏe mạnh, điều này có thể giúp ngăn ngừa nhiễm trùng, huyết áp cao và các biến chứng khác. Bác sĩ điều trị có thể kết hợp cùng các chuyên gia dinh dưỡng để xây dụng một kế hoạch ăn uống lành mạnh cho bạn. Các khuyến nghị về dinh dưỡng và lối sống có thể bao gồm:
- Ăn trái cây và rau mỗi ngày
- Ăn thịt nạc, thịt gia cầm và cá
- Ăn bánh mì và ngũ cốc nguyên hạt và các loại ngũ cốc khác
- Đảm bảo có đủ chất xơ trong chế độ ăn hàng ngày
- Uống sữa ít béo hoặc ăn các sản phẩm từ sữa ít béo khác để giúp duy trì đủ lượng canxi mà cơ thể cần
- Duy trì chế độ ăn ít muối và ít chất béo
- Tuân thủ các nguyên tắc an toàn thực phẩm
- Không uống rượu bia
- Không hút thuốc lá, kể cả hút thuốc thụ động
- Giữ đủ nước bằng cách uống đủ nước và các chất lỏng khác mỗi ngày
- Tránh dùng bưởi và nước ép bưởi do tác dụng của loại quả này đối với nhóm thuốc ức chế miễn dịch (thuốc ức chế calcineurin)
- Vận động thể chất đúng cách và đều đặn…
Mong rằng những thông tin trong bài viết đã giúp bạn biết được liệu ghép gan sống được bao lâu cũng như cách chăm sóc để nâng cao chất lượng sống lẫn sức khỏe, từ đó kéo dài niềm vui sống.