Sinh thiết gan hay chọc sinh thiết gan giúp bác sĩ xác định một số bệnh lý tại gan, trong đó có ung thư gan nguy hiểm. Từ đó, bác sĩ có thể đề ra phác đồ chữa trị phù hợp, hạn chế tối đa biến chứng. Vậy sinh thiết gan là gì, quy trình thực hiện ra sao?
1. Sinh thiết gan là gì?
Gan có chức năng rất quan trọng, giúp cơ thể tồn tại và hoạt động tốt, điển hình là:
- Sản xuất enzyme và protein cần thiết để vận hành những quá trình trao đổi chất quan trọng.
- Hỗ trợ loại bỏ các chất gây ô nhiễm có trong máu.
- Giúp cơ thể phòng chống, ngăn chặn tình trạng nhiễm trùng.
- Lưu trữ các dưỡng chất và vitamin thiết yếu.
Sinh thiết gan là kỹ thuật lấy một mô gan có kích thước nhỏ ra khỏi cơ thể người bệnh và mang đến phòng thí nghiệm để kiểm tra, đánh giá dưới kính hiển vi. Thủ thuật chọc sinh thiết gan được áp dụng để hỗ trợ bác sĩ tìm ra các bệnh lý gan liên quan mà người bệnh đang mắc phải. Dựa vào kết quả sinh thiết, bác sĩ sẽ chọn được phác đồ chữa trị phù hợp.
2 .Khi nào cần sinh thiết gan hay sinh thiết gan để làm gì?
Người bệnh sẽ được bác sĩ chỉ định làm sinh thiết gan để hỗ trợ cho việc phát hiện, xác định mức độ tổn thương, tình trạng viêm nhiễm, ung thư (nếu có) trong gan. Bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra nếu người bệnh gặp phải một số triệu chứng như:
- Hệ thống tiêu hóa có biểu hiện bất thường.
- Tình trạng đau bụng diễn ra dai dẳng.
- Vùng bụng trên bên phải xuất hiện khối u.
- Kết quả xét nghiệm từ phòng thí nghiệm cho thấy gan là bộ phận cần được đánh giá, xem xét.
- Sốt dai dẳng chưa biết nguyên nhân.
Bác sĩ thường chỉ định cho bạn chọc sinh thiết gan trong trường hợp xuất hiện khối u hay có khối trên gan, kết quả từ những hình thức xét nghiệm gan khác biểu hiện điểm bất thường.
Mặc dù những kỹ thuật xét nghiệm hình ảnh như chụp X-quang, CT có thể hỗ trợ bác sĩ xác định khu vực cần thăm khám, kiểm tra, thế nhưng không phải lúc nào các phương pháp trên cũng giúp bác sĩ đưa ra kết luận, chẩn đoán chính xác hay chọn được phác đồ điều trị tối ưu. Do đó, người bệnh cần tiến hành sinh thiết.
Sinh thiết là phương pháp thường liên quan đến bệnh ung thư. Thế nhưng không có nghĩa là bạn mắc ung thư khi được bác sĩ chỉ định làm sinh thiết. Kỹ thuật này còn giúp bác sĩ phát hiện những vấn đề khác ngoài ung thư đã khiến bạn gặp triệu chứng bất thường,…
Bên cạnh đó, sinh thiết gan cũng hỗ trợ bác sĩ theo dõi tình trạng của gan sau khi cấy ghép, xác định, đánh giá hiệu quả chữa trị. Mức độ nghiêm trọng của bệnh lý về gan cũng được thể hiện thông qua kết quả sinh thiết, giúp bác sĩ đề ra phương hướng điều trị phù hợp, hiệu quả.
3. Trường hợp chỉ định và chống chỉ định sinh thiết gan
Bên cạnh việc tìm hiểu sinh thiết gan để làm gì, bạn nên biết trường hợp nào được chỉ định và chống chỉ định thực hiện phương pháp này, cụ thể như sau:
Chỉ định sinh thiết gan
Dưới đây là những chỉ định được đặt ra cho thủ thuật sinh thiết gan:
- Mắc chứng viêm gan nhiễm mỡ nhưng không phải do rượu.
- Xơ gan.
- Mắc chứng viêm gan tự miễn.
- Viêm gan B, C.
- Gan bị ứ đọng đồng (bệnh wilson di truyền).
- Xơ gan mật nguyên phát.
- Gan bị ứ đọng sắt.
- Chỉ định sinh thiết gan cho các bệnh u gan, điển hình là: U tuyến gan (hepatic adenoma), u máu (liver hemangioma), ung thư đường mật (cholangiocarcinoma), tăng sản thể nốt khu trú (focal nodular hyperplasia), ung thư di căn gan (liver metastasis), ung thư biểu mô tế bào gan (hepatocellular carcinoma),…
Chỉ định thường gặp nhất là u gan. Gan hiện có nhiều hình thức tổn thương lan tỏa hay dạng khối với hình ảnh đa dạng được thể hiện trên cộng hưởng từ, cắt lớp vi tính, siêu âm. Thế nhưng có nhiều trường hợp không thể thấy hình ảnh rõ ràng, khiến bác sĩ gặp khó khăn trong việc xác định tính chất của khối u.
Phác đồ chữa trị ung thư gan phức tạp, khá tốn kém, do đó phát hiện căn bệnh này từ sớm có ý nghĩa rất quan trọng. Vì thế, sinh thiết u gan cũng trở thành thủ thuật cấp thiết. Bên cạnh đó, nếu kết quả nghiên cứu hình ảnh hoặc xét nghiệm máu của bạn cho thấy nguy cơ gặp vấn đề về gan thì bác sĩ có thể chỉ định sinh thiết gan.
Chống chỉ định sinh thiết gan
Trường hợp chống chỉ định sinh thiết gan gồm có:
- Bị nhiễm trùng máu.
- Tình trạng đông máu rối loạn: Tiểu cầu < 70 G/L, APTT > 40s, PT% < 70%, INR > 1,5.
- Người bệnh bị suy hô hấp hay đối mặt với chứng rối loạn huyết động.
- Người bệnh không hợp tác khi sinh thiết.