Viêm gan B là một trong những bệnh lý gan nghiêm trọng nhất, ảnh hưởng đến hàng triệu người trên toàn thế giới. Bài viết này sẽ cung cấp cái nhìn tổng quan về viêm gan B, từ nguyên nhân, triệu chứng đến các phương pháp phòng ngừa và điều trị hiệu quả.
1. Viêm Gan B Là Gì?
Viêm gan B là một bệnh nhiễm trùng gan do virus viêm gan B (HBV) gây ra. Bệnh có thể tồn tại dưới dạng cấp tính hoặc mạn tính. Viêm gan B cấp tính xảy ra trong một khoảng thời gian ngắn, thường là vài tuần đến vài tháng. Trong khi đó, viêm gan B mạn tính có thể kéo dài suốt đời, dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như xơ gan hoặc ung thư gan.
Nhiễm virus viêm gan B mạn tính là nguyên nhân chính gây bệnh gan ở Việt Nam như xơ gan và ung thư gan. Việt Nam là nước có tỷ lệ hiện mắc viêm gan B cao; ước tính có khoảng 8,6 triệu người nhiễm virus viêm gan B. Tỷ lệ nhiễm virus viêm gan B mạn tính được ước tính khoảng 8,8% ở phụ nữ và 12,3% ở nam giới.
Bệnh lây truyền qua tiếp xúc với máu hoặc các chất dịch khác của cơ thể người bị nhiễm bệnh. Đường lây truyền viêm gan B chính ở Việt Nam là từ mẹ sang con.
Hiện nay viêm gan B là bệnh có thể phòng ngừa được bằng vắc xin an toàn và hiệu quả. Vắc xin viêm gan B đã được đưa vào sử dụng từ năm 1982. Hiệu quả của vắc xin viêm gan B đạt 95% trong ngăn ngừa lây nhiễm và các hậu quả mãn tính của nó. Ở Việt Nam, tiêm chủng vắc xin viêm gan B cho tất cả trẻ sơ sinh đã được triển khai từ năm 2003.
2. Nguyên nhân và con đường lây truyền viêm gan B
Nhiễm trùng viêm gan B là do virus viêm gan B (HBV) gây ra. Các con đường lây nhiễm chính của virus này tương tự virus HIV, tuy nhiên khả năng lây nhiễm của HBV cao hơn 100 lần so với HIV.
Lây truyền qua đường máu
Virus viêm gan B dễ dàng lây lan qua đường máu theo các hình thức phổ biến sau:
- Dùng chung bơm kim tiêm, đặc biệt là tiêm chích ma túy
- Nhận truyền máu hoặc các chế phẩm từ máu có chứa virus; tái sử dụng hoặc sử dụng các dụng cụ y tế không được khử trùng đúng cách
- Xăm hình, xỏ khuyên, làm móng (nail) hoặc thực hiện các thủ thuật y tế, thẩm mỹ không đảm bảo vệ sinh, có chứa virus gây bệnh
- Dùng chung các vật dụng cá nhân như dao cạo râu, bàn chải đánh răng… với người bị nhiễm bệnh.
Lây nhiễm từ mẹ sang con
Phụ nữ mang thai bị nhiễm HBV có thể truyền virus sang con. Tỷ lệ lây nhiễm phụ thuộc vào thời điểm người mẹ bị nhiễm bệnh. Cụ thể, nếu mẹ bầu mắc bệnh trong 3 tháng đầu thai kỳ, tỷ lệ lây nhiễm virus sang con là 1%. Tỷ lệ này là 10% nếu mẹ nhiễm virus trong 3 tháng giữa thai kỳ và trên 60% nếu mẹ bị mắc bệnh trong 3 tháng cuối thai kỳ. Nguy cơ lây truyền cho thai nhi có thể lên đến 90% nếu không có biện pháp bảo vệ sau sinh.
Lây truyền qua đường tình dục
Viêm gan B có thể lây truyền khi quan hệ tình dục khác giới hoặc đồng giới do tiếp xúc với tinh dịch, dịch âm đạo hoặc máu của người bệnh.
Viêm gan B không lây lan qua tiếp xúc thông thường như bắt tay, ôm… Bệnh cũng không lây lan khi ho, hắt hơi, dùng chung dụng cụ ăn uống, chơi đùa hoặc ăn thực phẩm được nấu bởi người mang virus viêm gan B.
3. Phân loại viêm gan siêu vi B
Viêm gan B được phân thành hai loại là viêm gan B cấp tính và viêm gan B mãn tính.
Viêm gan B cấp tính
Viêm gan B cấp tính là tình trạng nhiễm trùng ngắn hạn, kéo dài trong vòng 6 tháng kể từ khi người bệnh tiếp xúc với HBV. Đa phần người bị viêm gan B cấp tính không có triệu chứng hoặc chỉ bị nhẹ, nhưng cũng có trường hợp tình trạng trở nên nghiêm trọng khiến người bệnh phải nhập viện để điều trị.
Nhiều người mắc viêm gan B cấp, đặc biệt là những người bị nhiễm bệnh ở độ tuổi trưởng thành, có thể tự đào thải virus ra khỏi cơ thể nhờ hoạt động của hệ miễn dịch và bình phục hoàn toàn sau vài tháng mà không để lại bất cứ di chứng nào. Trên thực tế, có đến 90% người trưởng thành bị nhiễm HBV tự khỏi bệnh. Trường hợp ngược lại, nếu hệ miễn dịch không thể loại bỏ được virus, viêm gan B cấp sẽ tiến triển sang dạng mãn tính.
Viêm gan B mãn tính
Viêm gan B mãn tính là tình trạng nhiễm trùng gan kéo dài từ 6 tháng trở lên. Virus HBV không bị loại bỏ và tiếp tục tồn tại một cách âm thầm trong máu và gan của người bệnh. Theo thời gian, viêm gan mãn tính có thể gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, bao gồm tổn thương viêm gan, suy gan, xơ gan, ung thư gan và thậm chí tử vong.
Bác sĩ Thành cho biết, khả năng viêm gan B tiến triển thành mãn tính phụ thuộc vào độ tuổi của người nhiễm bệnh. Người nhiễm có độ tuổi càng trẻ thì khả năng viêm gan phát triển thành mãn tính càng cao. Cụ thể, theo WHO, có đến 80–90% trẻ sơ sinh bị nhiễm bệnh trong năm đầu đời và 30–50% trẻ em bị nhiễm bệnh trước 6 tuổi phát triển thành nhiễm trùng gan mãn tính. Trong khi đó, tỷ lệ này ở người trưởng thành mắc bệnh thấp hơn rất nhiều (dưới 5%).
4. Triệu chứng bệnh Viêm gan B
Triệu chứng viêm gan B cấp tính
Thời gian ủ bệnh từ 1 – 6 tháng. Hầu hết mọi người không gặp bất kỳ triệu chứng nào trong giai đoạn nhiễm trùng cấp tính. Tuy nhiên, một số người có thể trải qua triệu chứng viêm gan B giai đoạn đầu kéo dài vài tuần, bao gồm vàng da và mắt (bệnh vàng da), nước tiểu đậm màu, mệt mỏi, buồn nôn, nôn và đau bụng (hạ sườn bên phải). Những trường hợp nặng sẽ có triệu chứng lơ mơ, hay buồn ngủ, đãng trí và sờ thấy gan to.
Biểu hiện lâm sàng: Sốt, vàng da(1 tuần sau khi bị nhiễm và có thể kéo dài đến 1-3 tháng), gan to, lách to. Hiếm khi thấy lòng bàn tay son hoặc dấu sao mạch “spider nevi” (mạch máu li ti kết toả thành hình nhện như hoa thị trên da)
Viêm gan mạn tính
Phần lớn bệnh nhân viêm gan mạn tính không có triệu chứng gì. Một số người khác viêm mạn tính nặng vẫn có các triệu chứng của viêm cấp như mệt mỏi, chán ăn, đau bụng.
Biểu hiện lâm sàng: Gan to, lòng bàn tay son, dấu sao mạch “spider nevi”. Khi bệnh mạn tính lâu ngày dẫn đến biến chứng xơ gan, bệnh nhân có thể bị báng bụng, vàng da, xuất huyết tĩnh mạch thực quản và dạ dày, xuất hiện tuần hoàn bàng hệ cửa- chủ do tăng áp lực tĩnh mạch cửa (tĩnh mạch lớn nổi gồ thấy trên da và toả ra từ rốn hình đầu sứa), nữ hoá tuyến vú ở nam, tinh hoàn teo nhỏ (vì suy gan làm rối loạn nồng độ hormone giới tính trong cơ thể).
5. Phòng ngừa bệnh Viêm gan B
Tiêm vắc-xin viêm gan B
Đây là biện pháp phòng ngừa chính trong phòng ngừa viêm gan B. WHO khuyến cáo cần tiêm liều vắc-xin viêm gan B đầu tiên càng sớm càng tốt trong vòng 24 giờ đầu sau sinh và các mũi tiếp theo lúc 2, 3 và 4 tháng. Tiêm vắc-xin viêm gan B có tác dụng tạo ra kháng thể bảo vệ ở hơn 95% trẻ sơ sinh, trẻ em và thanh niên. Hiệu quả bảo vệ cao, kéo dài ít nhất 20 năm và có thể là suốt đời nếu nồng độ kháng thể kháng virus được tạo ra sau chích ngừa lớn > 1000 IU/L.
Đối tượng cần tiêm chủng:
- Tất cả những người chưa có kháng thể chống vi khuẩn viêm gan B (Anti – HBs), nên tiêm phòng vắc xin viêm gan B càng sớm càng tốt đặc biệt là những người sống ở các quốc gia có tỷ lệ lưu hành HBV cao trong đó có Việt Nam
- Những đối tượng có nguy cơ cao kể trên
- Khách du lịch chưa hoàn thành liệu trình vắc-xin viêm gan B của họ, những người nên được cung cấp vắc-xin trước khi đi đến các khu vực có tỷ lệ lưu hành HBV cao.
Hạn chế uống bia, rượu, có chế độ ăn uống lành mạnh nhiều rau quả ít dầu mỡ; những người xơ gan nên giảm muối trong chế độ ăn.
Cẩn trọng với các loại thuốc hoặc thực phẩm chức năng có thể gây hại cho gan (đặc biệt là thuốc Bắc thuốc Nam không rõ nguồn gốc).
Sát trùng cẩn thận khi bị thương, chảy máu.
Sử dụng biện pháp bảo vệ khi quan hệ tình dục để tránh lây nhiễm.
Không dùng chung kim tiêm.
Không sử dụng chung dụng cụ hoặc phải được sát trùng trước khi xăm người, châm cứu, xỏ lỗ tai.
6. Các biện pháp điều trị bệnh Viêm gan B
Bác sĩ sẽ dựa vào kết quả xét nghiệm: nồng độ virus HBV DNA trong cơ thể bệnh nhân và trong một số trường hợp có thể phải sinh thiết gan nhằm đưa ra phác đồ điều trị viêm gan B thích hợp. Việc điều trị chủ yếu là ngăn chặn sự sinh sôi, nhân lên của virus hoặc các chất làm rối loạn quá trình tổng hợp, tự nhân lên của virus.
Các trường hợp mẹ đã nhiễm HBV, sau sinh em bé cần được tiêm huyết thanh đặc hiệu chống virus HBV
Khi mắc bệnh, cần tăng cường đề kháng của cơ thể bằng nghỉ ngơi, chế độ ăn uống cần chú ý đến các loại thực phẩm có lợi cho gan, hạn chế uống rượu. Rượu không những gây ra xơ gan mà còn hỗ trợ quá trình sao chép, sinh sản của virus viêm gan nên làm tăng số lượng virus lưu hành trong máu và từ đó là suy giảm khả năng chống chọi của tế bào gan trước sự tấn công của virus.
Viêm gan B là một bệnh lý nghiêm trọng nhưng có thể phòng ngừa và điều trị hiệu quả. Việc tiêm vắc-xin, thực hiện các biện pháp phòng ngừa và điều trị kịp thời có vai trò quan trọng trong việc kiểm soát bệnh và bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Hãy luôn chú ý đến sức khỏe của bạn và người thân, đặc biệt là thực hiện kiểm tra sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm và điều trị kịp thời các bệnh lý liên quan đến gan.