Gan Nhiễm Mỡ Độ 2: Nguyên Nhân, Đặc Điểm, Cách Điều Trị

Gan nhiễm mỡ độ 2 dùng để chỉ tình trạng lượng mỡ dư thừa trong gan vượt quá mức an toàn. Tình trạng này không nguy hiểm đến tính mạng, tuy nhiên, nếu không nhận biết và kiểm soát nó sẽ dễ dẫn đến xơ gan, suy gan, thậm chí ung thư gan.

Ở giai đoạn này, gan nhiễm mỡ ở mức độ vừa phải và có thể điều trị được. Vậy, bệnh này có dấu hiệu nào để nhận biết, điều trị thế nào? Cùng tìm hiểu ngay qua bài viết sau đây.
 

1. Gan nhiễm mỡ độ 2 là gì?

Gan nhiễm mỡ là tình trạng có quá nhiều chất béo tích tụ trong gan. Một lá gan khỏe mạnh, hoạt động tốt có chứa một lượng nhỏ chất béo khoảng 3-5% trọng lượng của gan. Tuy nhiên, sự tích tụ chất béo sẽ trở thành vấn đề khi nó chiếm hơn 5% trọng lượng của gan.

Trong chẩn đoán, bác sĩ sẽ phân gan nhiễm mỡ thành 3 cấp độ từ nhẹ đến nặng dựa trên lượng chất béo có trong gan và mức độ trầm trọng của triệu chứng. Theo đó, gan nhiễm mỡ độ 2 là khi lượng mỡ chiếm tới 10-25% trọng lượng của gan. Các triệu chứng của bệnh ở giai đoạn này chưa quá rõ ràng nên thường khó phát hiện. Bệnh nhân cần tự điều trị tại nhà bằng cách ăn uống theo chế độ và tập luyện thể thao hàng ngày, kết hợp thêm việc dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ nếu cần.

2. Nguyên nhân gây ra gan nhiễm mỡ độ 2

Nguyên nhân thường gặp nhất của gan nhiễm mỡ là thừa cân, béo phì. Bên cạnh đó còn có các nguyên nhân sau:

Dinh dưỡng:

  • Nhịn đói, suy dinh dưỡng
  • Dinh dưỡng tĩnh mạch hoàn toàn kéo dài
  • Phẫu thuật nối tắt ruột dạ dày (Gastric bypass) 
  • Giảm cân nhanh.

Bệnh lý chuyển hoá, nội tiết:

  • Hội chứng chuyển hóa (kháng insulin, cao huyết áp, cholesterol cao và hàm lượng chất béo trung tính cao)
  • Đái tháo đường típ 2
  • Hội chứng buồng trứng đa nang
  • Suy giáp (hormone tuyến giáp thấp)
  • Suy tuyến yên (hormone tuyến yên thấp)
  • Suy sinh dục (hormone giới tính thấp).

Dùng thuốc, hoặc độc chất

  • Dùng một số loại thuốc theo toa nhất định gây ra tác dụng phụ là mỡ tích tụ trong gan, chẳng hạn như amiodarone, diltiazem, tamoxifen hoặc steroid
  • Rượu.

Các yếu tố nguy cơ khác

  • Một chế độ ăn với quá nhiều thực phẩm chiên xào, đồ ăn nhanh không tốt cho sức khỏe
  • Mức độ hoạt động thể chất thấp hoặc thời gian ngồi quá nhiều
  • Thường xuyên bỏ bữa
  • Tiền sử mắc bệnh viêm gan.

3. Triệu chứng của gan nhiễm mỡ độ 2

Gan nhiễm mỡ là một căn bệnh thầm lặng, thường biểu hiện rất ít hoặc không biểu hiện bất kỳ triệu chứng nào. Nếu có, các triệu chứng gan nhiễm mỡ độ 2 có thể là:

  • Cảm giác mệt mỏi
  • Cảm thấy khó chịu hoặc đau ở phía trên bên phải của bụng
  • Mỡ máu cao
  • Da vàng
  • Kích thước của gan to bất thường.

Gan nhiễm mỡ cũng có thể dẫn đến sự phát triển của bệnh xơ gan. Đây là tình trạng gan bị sẹo do tổn thương gan lâu dài. Nếu bị xơ gan, bệnh nhân sẽ có các triệu chứng buồn nôn, ăn mất ngon, giảm cân không rõ nguyên nhân, vàng da và lòng trắng mắt, cổ trướng (sưng bụng), sưng ở chân, bàn chân hoặc bàn tay,…

Bệnh gan nhiễm mỡ rất khó phát hiện. Rất nhiều trường hợp người bệnh chỉ được phát hiện khi đi khám sức khỏe tổng quát định kỳ vì khi cơ thể không thấy có sự bất thường nào. Vì vậy, ngay khi có bất kỳ những dấu hiệu nào kể trên, hãy thăm khám với bác sĩ càng sớm càng tốt.

4. Cách chẩn đoán gan nhiễm mỡ cấp độ 2

Tùy vào chỉ định của bác sĩ mà người bệnh có thể chẩn đoán gan nhiễm mỡ thông qua các phương pháp như:

  • Xét nghiệm máu: Nhằm xác định người bệnh có bị men gan cao hay không. Men gan cao là dấu hiệu cho thấy gan đang bị tổn thương. Xét nghiệm về tình trạng rối loạn chuyển hóa lipid trong máu. Tuy nhiên đây mới là bước đầu, để xác định có bị gan nhiễm mỡ hay không sẽ cần tiến hành các xét nghiệm khác.
  • Siêu âm hoặc chụp CT scan (chụp cắt lớp vi tính): Cung cấp hình ảnh của gan.
  • MRI gan (cộng hưởng từ): độ nhạy và độ chuyên cao để đánh giá tình trạng gan nhiễm mỡ và các bệnh lý tại gan.

5. Chế độ ăn cho người gan nhiễm mỡ độ 2

Chế độ ăn cho người bị bệnh gan nhiễm mỡ cần tập trung vào việc giúp gan giảm mỡ, kể cả khi chưa thể giảm cân. Việc ăn uống lúc này sẽ tập trung vào các thực phẩm có nguồn gốc thực vật và chất béo lành mạnh. Cụ thể bao gồm:

  • Trái cây, rau xanh: Táo, chuối, rau lá xanh, bông cải xanh, khoai tây, cà rốt, cà chua, các loại đậu,… là những lựa chọn tốt cho sức khỏe khi cung cấp dồi dào lượng chất xơ và vitamin cho cơ thể giúp tăng cường sức đề kháng từ đó cũng tăng cao sức khỏe của gan.
  • Cá và thịt nạc: Cá và thịt nạc, thịt trắng như thịt gà, là nhóm thực phẩm có thể dùng ở người bị gan nhiễm mỡ, ở lượng vừa phải.
  • Các loại ngũ cốc: Các loại ngũ cốc chưa qua chế biến như bánh mì nguyên cám, yến mạch, gạo lứt, quinoa,… bổ sung chất xơ với hàm lượng dinh dưỡng cao. Nguồn thực phẩm này không chỉ tốt cho người bệnh gan nhiễm mỡ mà còn giúp giảm nguy cơ các bệnh tim mạch, béo phì, tiểu đường tuýp 2, giảm tình trạng viêm,…
  • Chất béo lành mạnh: Dầu oliu, dầu hạt cải, dầu dừa, bơ, các loại quả hạch,… là những nguồn chất béo mà người bệnh gan nhiễm mỡ có thể yên tâm sử dụng vì những thực phẩm này có khả năng giúp giảm cholesterol “xấu” LDL, chống oxy hóa, giảm viêm, tốt cho trí não,…
0705.94.9898
Chat Zalo