Bệnh viêm gan D do virus viêm gan D gây nên, căn bệnh viêm gan D thường có xu hướng phát triển theo kiểu đồng nhiễm, tức là người bệnh sẽ nhiễm viêm gan siêu vi D cùng lúc với viêm gan siêu vi B. Virus viêm gan D là một trong số nhiều loại virus khác nhau gây ra viêm gan và tác động lớn đến các chức năng hoạt động của gan.
1. Viêm Gan D Là Gì?
Viêm gan D (HDV) là một bệnh nhiễm trùng gan nghiêm trọng do virus viêm gan D gây ra. Virus này cần sự có mặt của virus viêm gan B (HBV) để có thể lây nhiễm và phát triển trong cơ thể con người. Điều này có nghĩa là viêm gan D chỉ xảy ra ở những người đã bị nhiễm viêm gan B.
Tỷ lệ người bị viêm gan D sau khi bị viêm gan B là 4 – 6%, phần còn lại là ở người bị viêm gan B mạn tính. Cụ thể, virus thuộc họ Deltaviridae là tác nhân gây nên viêm gan D. Đây là một loại virus chưa hoàn chỉnh, chỉ có thể hoạt động khi nhân lên với virus Orthohepadnavirus gây viêm gan B. Do vậy, viêm gan D chỉ có thể xảy ra đồng thời (đồng nhiễm) hoặc sau khi (bội nhiễm) ở người bệnh bị viêm gan B.
Đến nay vẫn chưa có phác đồ hay thuốc đặc trị cho bệnh viêm gan D. Người bệnh chỉ có thể điều trị bảo tồn để cải thiện và duy trì chức năng gan.
2. Nguyên nhân viêm gan D
Nguyên nhân gây viêm gan D là do tình trạng đồng nhiễm hoặc bội nhiễm từ viêm gan B. Ngoài ra, viêm gan D cũng có thể lây nhiễm từ người sang người thông qua các con đường sau:
- Đường máu: Bất cứ hoạt động tiếp xúc trực tiếp nào với máu hoặc dịch cơ thể của người bị viêm gan D cũng có thể là nguyên nhân gây ra bệnh. Phổ biến bao gồm: dùng chung kim tiêm, các vật dụng cá nhân như bàn chải đánh răng, dao cạo râu hay các dụng cụ y tế không được tiệt trùng kỹ lưỡng…
- Đường tình dục: Quan hệ tình dục là hoạt động mà cơ thể sẽ tiếp xúc trực tiếp giữa dịch cơ thể, máu qua da với da. Vì thế tỷ lệ viêm gan D sau khi quan hệ tình dục với người bệnh là rất cao. Tuy nhiên, không có sự chênh lệch về tỷ lệ nhiễm bệnh giữa quan hệ tình dục đồng tính và khác giới.
- Lây truyền từ mẹ sang con: Thống kê cho thấy, tỷ lệ lây nhiễm viêm gan D giữa mẹ sang con trong quá trình thụ thai là khá hiếm. Tuy nhiên vẫn tồn tại một số trường hợp trẻ sơ sinh bị viêm gan D do mẹ bị bệnh trong thời gian thụ thai.
Với những nguyên nhân gây bệnh viêm gan D như trên thì những đối tượng có nguy cơ cao hơn so những người khác là:
- Người bị bệnh viêm gan B mạn tính
- Người có bạn tình bị bệnh viêm gan D
- Người sử dụng ma túy
- Người sống chung nhà, sử dụng chung vật dụng cá nhân với người bị viêm gan D
- Nhân viên y tế thường xuyên tiếp xúc với máu và dịch cơ thể người bệnh
3. Các triệu chứng điển hình
Nhìn chung, bệnh nhân mắc phải viêm gan D thường không xuất hiện triệu chứng cụ thể, và không thể phân biệt được các triệu chứng lâm sàng của bệnh viêm gan D với những bệnh viêm gan do virus khác gân nên. Thời kỳ diễn ra ủ bệnh của bệnh HDV được xác định từ 21 – 45 ngày, tuy nhiên thời gian có thể được rút ngắn lại nếu xảy ra bội nhiễm từ HBV.
Dưới đây là những dấu hiệu, triệu chứng cơ bản có thể xảy ra trong thời gian ủ bệnh của viêm gan D:
- Nước tiểu sẫm màu
- Đau bụng thường xuyên
- Vàng da
- Cảm giác buồn nôn hoặc nôn
- Cơ thể bầm tím hoặc bị chảy máu (nhưng rất hiếm gặp)
- Có cảm giác ngứa ngáy.
Nếu bệnh nhân bắt đầu bị bùng phát bệnh viêm gan D thường sẽ gặp phải những dấu hiệu và triệu chứng nổi bật như:
- Cơ thể sốt cao
- Vàng da
- Bị đau bụng, thường đau tại vị trí góc phải của thượng vị
- Nước tiểu có màu sẫm
- Gặp phải bệnh lý về não (rất hiếm gặp)
Ngoài ra, cần chẩn đoán phân biệt giữa bệnh viêm gan D và một số tình trạng như:
- Viêm gan do thuốc gây ra
- Ngộ độc Acetaminophen
- Bệnh nhân bị gan nhiễm mỡ trong thời gian mang thai
- Tổn thương gan vì bị thiếu máu cục bộ
- Chít hẹp quá mức ống mật
- Hội chứng HELLP (gồm có tăng men gan, tan huyết, tiểu cấp thấp) xảy ra do ngộ độc thai nghén
- Tắc nghẽn đường mật
- Nhiễm độc gan do Isoniazid.
4. Phương pháp điều trị HDV
Bệnh nhân bị nhiễm HDV có thể được chỉ định điều trị bằng thuốc. Trong đó, Pegylated interferon alpha mang đến hiệu quả để giảm tải số lượng virus và những tác động của bệnh lý này đến chức năng của gan trong khoảng thời gian thuốc đang được sử dụng, tuy nhiên tác dụng này sẽ dừng lại nếu thuốc không được sử dụng. Thống kê cho thấy, hiệu quả của điều trị bằng pegylated interferon thường không thể vượt quá 20%.
Myrcludex B, một loại thuốc cho thấy tác dụng ức chế được sự xâm nhập của virus vào các tế bào gan, nhưng hiện nay vẫn đang trong quá trình được thử nghiệm lâm sàng.
5. Phòng ngừa bệnh viêm gan D
Vì bệnh viêm gan D là dạng viêm gan chỉ có thể xuất hiện khi người bệnh bị viêm gan B. Do đó, phương pháp phòng ngừa viêm gan D hiệu quả nhất và cũng được khuyến khích nhất hiện nay là thực hiện tiêm phòng viêm gan B. Vaccine phòng viêm gan B có khả năng phòng ngừa 80 – 100% khả năng mắc bệnh.
Bộ y tế khuyến cáo thời gian tốt nhất để tiêm vaccine phòng ngừa viêm gan B gồm:
- Mũi 1: Trong vòng 24 giờ sau khi sinh
- Mũi 2: 1 tháng sau mũi đầu tiên
- Mũi 3: 5 tháng sau mũi thứ 2, 6 tháng sau mũi đầu tiên
Đối với người lớn, nên thực hiện xét nghiệm chỉ số kháng thể viêm gan B và viêm gan D theo chu kỳ 5 năm/lần. Cần thực hiện tiêm mũi nhắc nếu kháng thể giảm thấp.
Ngoài ra, viêm gan D có thể phòng ngừa bằng cách tăng cường sức khỏe gan thông qua lối sống lành mạnh, như:
- Hạn chế tối đa uống rượu bia
- Không ăn nhiều các thực phẩm chế biến bên ngoài, thức ăn nhanh vì chứa nhiều chất béo xấu gây hại cho gan, và không thể đo lường dưỡng chất trong thực phẩm
- Không sử dụng chung các vật dụng cá nhân với người khác, đặc biệt các dụng cụ dễ dính máu như dao cạo, bàn chải đánh răng, lược,…
- Không tái sử dụng kim tiêm đã dùng
- Sử dụng găng tay y tế khi chạm vào vết thương của người khác
- Sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục
- Thực hiện kiểm tra sức khỏe định kỳ 2 lần/năm
Viêm gan D là một bệnh lý nghiêm trọng có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng nếu không được điều trị kịp thời. Việc nhận biết các triệu chứng và điều trị sớm là rất quan trọng để bảo vệ sức khỏe gan và ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm.