Sán lá gan là căn bệnh phổ biến tại Việt Nam, gây ra bởi ký sinh trùng sán lá gan. Vòng đời của loại ký sinh trùng này khá phức tạp, chúng ký sinh trong lá gan và ống mật của con người hoặc một số loại động vật ăn cỏ như bò, trâu, dê, cừu,…
1. Bệnh sán lá gan là gì?
Sán là gan là một loại ký sinh trùng mang hình dáng giống như chiếc lá và có thân dẹt. Tuy nhiên, sán lá gan có cả bộ phận sinh dục giống đực và giống cái nên chúng được xếp vào nhóm sinh vật lưỡng tính. Sán lá gan sẽ kí sinh trong lá gan và ống mật của người hoặc động vật bị nhiễm bệnh.
Có thể chia bệnh sán lá gan làm 2 loại gồm bệnh sán lá gan nhỏ và sán lá gan lớn.
- Sán lá gan lớn: gồm 2 loài với tên khoa học là Fasciola gigantica và Fasciola hepatica;
- Sán lá gan nhỏ: gồm 3 loài với tên khoa học là Clonorchis sinensis, Opisthorchis viverrini và Opisthorchis felineus.
2. Đặc điểm vòng đời sán lá gan
Sán lá gan có đặc điểm là vòng đời của chúng khá phức tạp. Chúng ký sinh trong lá gan và ống mật của con người hoặc một số loại động vật ăn cỏ như bò, trâu, dê, cừu,…
Sán lá gan trưởng thành bắt đầu đẻ trứng, trứng sẽ theo đường mật xuống ruột và ra ngoài theo phân. Khi trứng gặp nước nở ra ấu trùng lông (miracidium), sẽ mất từ 9 đến 21 ngày để hoàn tất quá trình này thành hình ấu trùng sán lá gan.
Ấu trùng lông sán lá gan sẽ chọn ốc thuộc giống Limnea làm vật chủ trung gian và phát triển thành ấu trùng đuôi (cercaria) trong khoảng thời gian từ 6 đến 7 tuần. Khi ấu trùng lông rời khỏi vỏ ốc, chúng sẽ bơi tự do trong nước hoặc bám vào loại thực vật thủy sinh để tạo nang ấu trùng (metacercaria).
Khi con người hoặc động vật (trâu, bò,…) ăn phải thực vật thủy sinh hoặc hoặc uống nước có chứa nang ấu trùng sán lá gan thì sẽ bị nhiễm sán lá gan. Nang ấu trùng sẽ xâm nhập vào thông qua đường miệng, thoát kén sau khoảng 1 giờ và xuyên qua thành ruột. Sau 2 giờ, chúng sẽ nằm ở ổ bụng và xuyên qua màng Glisson để vào gan. Trải qua 6 ngày kể từ khi thoát kén, nang ấu trùng xuất hiện ở gan và thành công di hành đến đường mật để ký sinh.
Thời gian từ khi nhiễm đến khi phân mang theo trứng sán lá gan ra ngoài sẽ có khác biệt giữa người và động vật. Ở con người sẽ trong khoảng 3 đến 4 tháng, ở các loại động vật ăn cỏ như trâu bò thì chỉ mất 6 đến 13 tuần. Thời gian này còn phụ thuộc số lượng sán, thời gian trưởng thành sẽ kéo dài nếu sán càng nhiều. Tuổi thọ của sán lá gan lớn ở người từ 9 đến 13,5 năm.
3. Triệu chứng bệnh sán lá gan
Trong giai đoạn ủ bệnh sán lá gan, sẽ rất khó phát hiện ra những dấu hiệu bệnh rõ rệt vì còn phải tùy thuộc vào số lượng ấu trùng mà người bệnh đã ăn phải. Thông thường, đối với sán lá gan nhỏ thì con người phải nhiễm trên 100 sán mới có triệu chứng rõ rệt.
Vì sán lá gan kí sinh và đẻ trứng trong lá gan và ống mật nên có thể khiến người mắc bệnh có một số triệu chứng sau đây:
- Vàng da hoặc da xanh, nhợt nhạt: Khi sán lá gan kí sinh trong cơ thể con người sẽ gây tắc nghẽn và làm nhiễm trùng gan và ống dẫn mật. Vì thế, nếu bệnh nhân nhiễm sán lá gan sẽ có biểu hiện qua việc da bị vàng hoặc da xanh, nhợt nhạt. Bên cạnh đó, ở một số trường hợp nhiễm sán lá gan thì tình trạng da xanh, nhợt nhạt cũng có thể là do bị nôn nhiều, chán ăn, tiêu chảy;
- Khó chịu, buồn nôn, ói mửa và tiêu chảy: Đây đều là hậu quả do ống dẫn mật bị tắc gây ra. Tùy vào mức độ nghiêm trọng của nhiễm trùng sán lá gan, những triệu chứng này có thể kéo dài từ vài tuần đến vài tháng ;
- Đau bụng: Những cơn đau quặn bụng xảy ra khi sán lá gan di chuyển từ ruột đến gan, chui qua Glisson để vào gan hoặc chui đến ống mật và khiến ống mật bị tắc nghẽn;
- Sụt cân: Việc nhiễm sán lá gan làm người bệnh mất cảm giác ngon miệng, gây cảm giác chán ăn. Chính vì vậy, người bệnh mắc sán lá gan trong thời gian dài sẽ rất dễ sụt cân;
- Nổi ban: Trong giai đoạn đầu khi sán lá gan xâm nhập vào lá gan, nổi ban trên da là triệu chứng khá phổ biến. Đây là hệ quả xảy ra khi hệ miễn dịch của cơ thể phản ứng lại với sự nhiễm trùng mà sán lá gan gây ra ở trên gan;
- Sốt: Sán lá gan kí sinh gây tắc nghẽn ở các ống mật, tình trạng nhiễm trùng có thể xảy ra và làm người bệnh bị sốt.
4. Cách phòng bệnh sán lá gan
Dựa vào những đặc điểm vòng đời sán lá gan, bạn có thể phòng tránh bệnh sán lá gan bằng những cách sau đây:
- Trước khi ăn các loại rau trồng dưới nước cần phải rửa rau sạch sẽ và luộc chín kỹ;
- Tuyệt đối không nên ăn đồ sống, chưa qua chế biến như gan sống, tiết canh, gỏi,… Thực hiện ăn chín uống sôi và sử dụng nguồn nước sạch để uống, cần đun sôi kỹ trước khi uống;
- Không ăn các loại ốc hoặc cá nếu chưa được nấu chín kỹ;
- Giữ thói quen rửa tay bằng xà phòng sạch sẽ trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh;
- Định kỳ thực hiện tẩy giun 6 tháng/lần;
Việc nghiên cứu đặc điểm vòng đời sán lá gan đã góp một phần không nhỏ giúp kiểm soát được tình trạng lây lan bệnh. Khi phát hiện cơ thể có những triệu chứng bất thường của bệnh sán lá gan thì người bệnh cần đến ngay lập tức đến các cơ sở y tế để được thăm khám, làm các xét nghiệm sán lá gan và điều trị kịp thời, nhằm hạn chế những thiệt hại xảy đến với ống dẫn mật và gan.